Lượt xem: 2756

Dương Kỳ Hiệp - Nhà cách mạng “Dĩ công vi thượng”, cán bộ kinh tài sáng suốt của Đảng

    * Khát vọng cống hiến

    Đầu thập niên của thế kỷ XX, tại Xóm Trúc, làng Ôi Lôi nay thuộc xã Trường Khánh, huyện Long Phú, có một gia đình nông dân cần cù cày cấy, trở thành gia đình khá giả nhất trong vùng, đã sinh ra cậu bé, là con thứ chín trong gia đình, gọi là Chín Hiệp – Dương Kỳ Hiệp.

    Thuở nhỏ của Chín Hiệp không phải vất vả “chăn trâu, ở đợ” như bao đứa trẻ cùng trang lứa, mà Chín Hiệp được gia đình cho ăn học. Sau khi trải qua chương trình tiểu học tại tỉnh lỵ, Chín Hiệp quyết chí lên Sài Gòn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình. Ở đô thị Sài Gòn, với tư chất thông minh, nhạy cảm, Chín Hiệp hay tư duy, nhận xét những vụ việc xảy ra trong trường, trong lớp, trong cuộc sống ở đô thị phồn hoa, nhất là được tiếp cận với những khuynh hướng chính trị khác nhau. Càng tiếp cận, Chín Hiệp càng cảm thấy như mình đang đứng trước ngã 3 đường mà không biết rẽ hướng nào để đến đích cần đi. Song, với sự mẫn cảm về chính trị, và những hoạt động năng nổ trong phong trào học sinh, sinh viên, cùng với sự định hướng của những nhà yêu nước, của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Khương Ninh, đặc biệt là thầy Trần Văn Giàu đã đưa Chín Hiệp đến với cách mạng[1]. Năm 1930, tại Trường Huỳnh Công Phát – Sài Gòn, Dương Kỳ Hiệp được đồng chí Lý Ban[2] và Nguyễn Duy Khâm giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng từ đây cuộc đời của Chín Hiệp chuyển sang một trang mới; mới về tư tưởng, lập trường, mới về định hướng hoạt động, tỏ rõ lý tưởng cộng sản trong chí hướng của mình.

    Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với Chín Hiệp là một vinh dự hết sức to lớn để Chín Hiệp cống hiến cho nhân dân. Ngay sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Chín Hiệp đã tham gia vào cuộc mittinh kỷ niệm thắng lợi Cách mạng tháng 10 Nga (tháng 11/1930) tại trường và sau đó anh bị địch bắt đưa vào Khám Lớn – Sài Gòn. Tại Khám Lớn, Chín Hiệp được gặp đồng chí Nguyễn An Ninh và các chiến sĩ cộng sản khác. Các chiến sĩ cộng sản đã ra sức giúp đỡ, can thiệp và không có bằng chứng, buộc tòa án của thực dân Pháp kêu án anh với mức án tù treo.

    * Dấn thân vì cách mạng

    Sau khi tham khảo một số đồng chí cách mạng, trong đó có đồng chí Hoàng Minh Giám, khuyên Chín Hiệp về Sóc Trăng hoạt động. Về Sóc Trăng là về lại quê hương mình, gia đình mình. Tuy nhiên, với Chín Hiệp đây lại là một điều khó trong hoạt động. Tuổi thanh thiếu niên chỉ tiếp xúc nhiều với học sinh, sinh viên, khi hoạt động lại chủ yếu dựa vào thanh niên học sinh ở phố thị. Về lại Sóc Trăng thì dựa vào đâu để hoạt động? Xây dựng tổ chức thế nào? Các tổ chức hoạt động ra sao? Ở Sóc Trăng đã có tổ chức Đảng chưa?... Đây là những câu hỏi lớn với Dương Kỳ Hiệp. Tất cả ngổn ngang, chưa xác định được “nút thắt” chủ đạo cần phải khai thông. Nhưng được các chiến sĩ cộng sản chỉ bảo, đây chỉ là quá trình chuyển hoạt động về nông thôn chứ không phải tháo lui. Về nông thôn để xây dựng phong trào, kết nối phong trào giữa nông thôn với thành thị, chuẩn bị cho hoạt động của tổ chức đảng mở rộng mặt trận, mở rộng địa bàn kháng chiến. Chín Hiệp thấy yên tâm hơn. Hơn nữa với Chín Hiệp, về quê hương là về với gia đình yêu thương, về với những người nông dân chân chất nơi anh đã sinh ra, gắn bó gần cả quãng đời niên thiếu của mình. Đây cũng là một “mặt trận” mới để Chín Hiệp thực hiện nhiệm vụ được giao, chuẩn bị cơ sở cho cách mạng, cho Đảng tại quê hương. Chín Hiệp tự tin hơn, bắt đầu cuộc “Hành trình về với cố hương” (5/1931).

    Tình hình lúc này ở Sóc Trăng, các chi bộ đảng được thành lập và hoạt động khá sôi nổi (chi bộ Mỹ Quới, chi bộ Cù Lao Dung, chi bộ Lạc Hòa), phong trào nông dân đấu tranh bước đầu được gầy dựng ở một số làng, phần nào tạo sự yên tâm và mở hướng cho Chín Hiệp tổ chức các hoạt động ở Trường Khánh. Trên cơ sở mối quan hệ gia đình, làng xóm, Chín Hiệp đã đứng ra tổ chức các Hội Ái hữu, Tương tế tập hợp nông dân đấu tranh. Đặc biệt với tầm nhìn và thực tiễn trải qua ở trường lớp, Chín Hiệp tập trung lôi cuốn đội ngũ thanh niên thông qua Hội đá banh, Bóng bàn để tuyên truyền và tổ chức lực lượng nòng cốt đấu tranh, tìm nguồn cho Đảng.

    Hơn một năm hoạt động, tổ chức các lực lượng tại quê nhà, xây dựng lực lượng nòng cốt, cuối năm 1932, Chín Hiệp đứng ra thành lập chi bộ đảng Trường Khánh – Châu Khánh và cùng với chi bộ lãnh đạo nông dân nổi dậy chống lại địa chủ, lấy thóc, trâu bò chia cho nông dân.

    Những năm tháng học tập và đấu tranh tại Sài Gòn cho Chín Hiệp thấy rằng, đấu tranh chống lại địa chủ chỉ là trước mắt, tạm thời; đấu tranh đơn độc sẽ nhanh chóng thất bại. Nên đồng chí Dương Kỳ Hiệp đã chủ động liên lạc với các chi bộ khác trong tỉnh cùng liên kết vận động quần chúng, tổ chức thống nhất đấu tranh, tạo liên kết trong tỉnh.

    Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Dương Kỳ Hiệp tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động từ nông thôn ra phố thị. Năm 1937, đồng chí Dương Kỳ Hiệp rời địa bàn Trường Khánh ra tỉnh lỵ Sóc Trăng hoạt động, với vỏ bọc tiệm sách “Thanh niên thư quán” là nơi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng, đồng thời là cơ sở bí mật, liên lạc, triển khai các hoạt động của các đồng chí hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng, nơi cung cấp tài liệu tuyên truyền, báo chí cách mạng, vận động, cung cấp tài chính và là một trong những trung tâm chỉ đạo cách mạng của tỉnh lỵ Sóc Trăng.

    Phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ phát triển rộng rãi trong cả nước, Mặt trận Dân tộc Dân chủ Đông Dương được mở rộng, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ở Sóc Trăng, vận dụng chủ trương chung của Đảng, sự lãnh đạo của Xứ ủy và Liên Tỉnh ủy, các chi bộ có sự thống nhất lãnh đạo, phong trào đấu của quần chúng lan rộng, phát triển sâu rộng trên khắp địa bàn tỉnh, nhất là tập hợp đội ngũ thanh niên, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng tiếp tục xây dựng lực lượng bí mật kết hợp với đẩy mạnh đấu tranh công khai.

    Phong trào đấu tranh của quần chúng ngày một phát triển, lan rộng, quyết liệt. Thực dân Pháp càng tăng cường đàn áp, ruồng bố bắt bớ cán bộ của Đảng. Tháng 4-1939 thực dân Pháp bắt 2 đồng chí Nguyễn Trung Tỉnh và Nguyễn Văn Thơ là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời. Tháng 9-1939, mật thám Pháp ra lệnh đóng cửa “Thanh niên thư quán”, bắt đồng chí Dương Kỳ Hiệp và một số đồng chí khác.

    Một năm sau, do không có căn cứ buộc tội, thực dân Pháp phải thả ông ra, nhưng mật thám Pháp vẫn theo dõi, giám sát gắt gao. Nhưng với bản lĩnh và tính cẩn thận, đồng chí Chín Hiệp vẫn bí mật liên lạc với tổ chức, khôi phục lại chi bộ Trường Khánh, các cơ sở liên lạc của tỉnh, phát triển đảng viên, xây dựng nòng cốt, chuẩn bị lực lượng kháng chiến.

    Chuẩn bị cho công cuộc cách mạng tháng Tám, theo sự gợi ý của cấp ủy cấp trên, nắm bắt lợi thế dưới hình thức hoạt động hợp pháp, đồng chí Dương Kỳ Hiệp đã mở “Quán cơm thanh niên” tại phố Đại Ngãi (nay là số nhà 49-51 đường Hai Bà Trưng, thành phố Sóc Trăng) làm địa điểm liên lạc bí mật, tạo nguồn kinh phí hoạt động. Tháng 3/1945, dưới sự chủ trì của đại diện Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng được thành lập lại, đồng chí Dương Kỳ Hiệp được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.

    Tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phát xít đang trên đà thất bại. Ở Đông Dương mâu thuẫn Pháp – Nhật ngày càng gay gắt; thời cơ cách mạng Việt Nam đã đến, công cuộc giành chính quyền ngày một cấp bách. Ở Sóc Trăng, công cuộc chuẩn bị các lực lượng cho tổng khởi nghĩa diễn ra rầm rộ, quán triệt chính sách 10 điểm của Việt Minh. Ngay sau khi họp Xử ủy về (23-8-1945), đồng chí Dương Kỳ Hiệp triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng, phổ biến những chủ trương quan trọng của Trung ương và những nguyên tắc tổ chức chính quyền của cách mạng Việt Nam; thiết lập, chỉ đạo các phương án giành chính quyền, thành lập Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh, đề cử Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh, quyết định ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

    Ngày 25-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi mà không có tiếng súng. Thay mặt Ủy ban giải phóng dân tộc tỉnh, đồng chí Dương Kỳ Hiệp tuyên bố cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám tại tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn thắng lợi, toàn bộ chính quyền thuộc về nhân dân, chính quyền cách mạng được thành lập. “Kể từ ngày 25-5-1945, bãi bỏ chính quyền thực dân, phong kiến từ cấp tỉnh, quận đến tổng, làng. Bãi bỏ mọi chính sách của chính quyền Pháp, Nhật”; đồng thời, chủ trương mời các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia chính quyền cách mạng, thăm viếng các chùa của đồng bào Hoa, đồng bào Khmer, kêu gọi các lãnh tụ tinh thần tham gia Mặt trận Việt Minh.

    Cách mạng giành chính quyền ở Sóc Trăng cho thấy sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, cụ thể đường lối cách mạng chung vào tình hình cụ thể của địa phương, đó là sự thống nhất chỉ đạo của các đồng chí Tỉnh ủy, vai trò chủ đạo, nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng suốt, linh hoạt trong tổ chức lực lượng kháng chiến của đồng chí Dương Kỳ Hiệp.

    * Tấm gương “dĩ công vi thượng”

    Sau Cách mạng tháng Tám, công cuộc củng cố, xây dựng chính quyền được đặt lên hàng đầu, nhất là củng cố, thành lập các tổ chức cách mạng. Cuối tháng 8/1945, Ủy ban Mặt trận Dân tộc thống nhất tỉnh Sóc Trăng được thành lập, thành lập Quốc gia tự vệ cuộc; thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới trên cơ sở đoàn kết 3 dân tộc. Với Chín Hiệp: Đảng lãnh đạo quần chúng phải gắn với đời sống, tập quán của các dân tộc anh em trong cộng đồng.

    Nhưng chưa đầy 1 tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ, toàn Nam bộ tiếp tục công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.

    Một trong những quyết định táo bạo, sát thực tiễn tình hình Sóc Trăng, phù hợp điều kiện kháng chiến sau khi thiết lập được chính quyền cách mạng của đồng chí Dương Kỳ Hiệp, đó là quyết định không “xuyên Đông”[3], mà trở về nông thôn, bám dân, củng cố cơ sở, xây dựng lực lượng, tiếp tục cùng nhân dân đấu tranh. Với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào dân để phát triển phong trào cách mạng, cùng nhân dân chiến đấu. Chín Hiệp luôn cho rằng: Công tác vận động quần chúng phải luôn chú ý đến đồng bào dân tộc Hoa, Khmer trong cộng đồng. Thể hiện rõ tinh thần triệt để cách mạng, sáng tạo trong vận dụng chủ trương của Đảng với tình hình thực tiễn cách mạng ở địa phương.

    Sau khi về lại Sóc Trăng, trước tình hình khó khăn về kinh tế, tài chính, được sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, đồng chí Dương Kỳ Hiệp đã chủ động mở cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng (9-1946), đề nghị chọn người làm Bí thư Tỉnh ủy để đồng chí làm Phó Bí thư – Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh, tập trung chăm lo về phát triển kinh tế, vận động tài chính, chăm lo công tác xã hội. Bằng những kinh nghiệm và linh hoạt trong hoạt động kinh tế, uy tín trong quan hệ kinh tế, đồng chí Dương Kỳ Hiệp đã có những chủ trương rất hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, khôi phục giao thương, nhất là tại các khu vực giao thương giáp ranh giữa vùng tự do với vùng tạm chiếm của địch; giao thương kết nối giữa các dân tộc, giữa nông thôn với thành thị, trong tỉnh với các tỉnh ngoài. Đặc biệt, đồng chí Chín Hiệp chủ trương “thu thuế nhập thị”, tuyên truyền cho nhân dân hiểu “thuế nhập thị” là một cách ủng hộ kháng chiến. Chính chủ trương này không chỉ mở mang giao thương hàng hóa cho nông dân, mà cao hơn là tạo ra nguồn tài chính cho cách mạng, kết hợp với mua các vật tư, thuốc men y tế, nhu yếu phẩm cho các lực lượng cách mạng, các loại máy móc phục vụ công binh xưởng... Giai đoạn 1946 - 1948, phong trào cách mạng ở Sóc Trăng đạt được nhiều thắng lợi về mặt trận kháng chiến, tổ chức đảng, các tổ chức kháng chiến, ngân sách, tài chính khá vững vàng, vừa đảm bảo hoạt động, vừa bổ sung hỗ trợ cho cấp trên, tạo nền vững chắc cho cuộc kháng chiến của tỉnh mạnh tiến.

    Cuối năm 1948, ta thực hiện chủ trương “bao vây kinh tế địch”, một số địa phương ở Tây Nam bộ thực hiện máy móc: Tổ chức phá lúa của điền chủ; hạn chế giao thương, gần như trở thành việc “ngăn sông, cấm chợ” nhằm gây khó khăn cho địch. Nhưng thực tế cũng gây cho ta không ít khó khăn, tổn thất cho ta, nhất là việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các lực lượng tại địa phương, cản trở việc liên lạc với vùng tự do, các nhu yếu phẩm, thuốc men, tư liệu khác không đến được với từng địa phương, lúa gạo của nông dân ứ đọng, trong khi thiếu thốn hàng tiêu dùng khác… Thực tế này diễn ra, mới chứng tỏ sự sáng suốt, quyết đoán, tài giỏi trong điều hành kinh tài của đồng chí Dương Kỳ Hiệp. Thời điểm này, do yêu cầu nhiệm vụ, Khu ủy Khu IX điều động đồng chí Dương Kỳ Hiệp đến giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Cần Thơ, tập trung giải quyết hậu quả “bao vây phá hoại kinh tế địch”. Gần một năm sau (tháng 8/1949), đồng chí được điều động giữ chức Chủ tịch UBHC kháng chiến tỉnh Bạc Liêu. Với Chín Hiệp đi đâu cũng là làm cách mạng, đi đâu cũng là được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ; ở đâu cũng vì dân vì nước cố gắng hoàn thành trọng trách của mình, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ là cán bộ cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên hết, là lúc nào, ở đâu cũng tận tụy, đau đáu với nhiệm vụ vì nước, vì dân.

    Giải quyết vấn đề sai lầm trong “bao vây phá hoại kinh tế địch”. Dương Kỳ Hiệp rất đau với những vụ việc sai lầm xảy ra như: việc đánh chìm cả trăm ghe lúa xuống dòng sông; phá lúa đồn điền; ngăn cấm giao thương; trong khi vựa lúa, vựa muối của Đồng bằng Nam bộ mà có chỗ dân đói cơm, người khát muối. Chín Hiệp cho rằng, những việc làm này không đúng với thực tế “bao vây kinh tế giặc” mà trái lại ngăn cản việc làm ăn của nhân dân, mình tự làm khó mình, cao hơn nữa là mất lòng dân. Đó là những sai lầm cần phải sửa chữa, đó là phải khơi lại “mạch máu” kinh tế Đồng bằng Tây Nam bộ đã bị tắc do máy móc, ấu trĩ.

    Phát huy sở trường tư duy kinh tế và thực tiễn ở Sóc Trăng, ở Cần Thơ, Chín Hiệp đã lặn lội từng ngõ xóm, gia đình để giải thích; thực hiện nhiều biện pháp sáng tạo trong đẩy mạnh giao thương hàng hóa, lập các trạm thu thuế nội thị đối với thương buôn, một mặt tuyên truyền cách mạng, giải thích cho nhân dân hiểu chủ trương; mặt khác tăng cường tài chính cho cách mạng, lập lại kết nối giữa vùng địch tạm chiếm và vùng tự do. Đồng thời thực hiện các giải pháp ngăn cản việc bán lương thực cho địch. Việc làm này không những khắc phục được việc “ngăn sông, cấm chợ” mà còn lấy lại niềm tin, động viên nhân dân tiếp tục sản xuất, chăm lo đời sống, đảm bảo nền tảng vững chắc cho chính quyền cách mạng; vận động nhân dân tự giác không giao thương với giặc, đó mới thực sự là “bao vây phá hoại kinh tế địch”.

    Từ kinh nghiệm của Bạc Liêu, các tỉnh Tây Nam bộ đã áp dụng để khai thông dòng chảy hàng hóa giữa hai vùng, làm cho vùng giải phóng mạnh khỏe, vùng địch tạm chiếm các chợ, trung tâm giao thương nhộn nhịp hơn, nhân dân phấn khởi hơn. Điều quan trọng hơn cả là lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền cách mạng.

    Gần 5 năm ở Bạc Liêu (8/1949 – 7/1953), khi tình hình Bạc Liêu phát triển tốt, cơ sở vững chắc, Chín Hiệp lại được Trung ương điều động đến tỉnh Long Châu Hà (Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên). Lại một lần nữa, Chín Hiệp phải xa gia đình, vợ con làm nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Long Châu Hà là tỉnh có đồng bằng, có núi, lại giáp biên giới Camphuchia tình hình rất phức tạp, giặc luôn đánh phá, lợi dụng vùng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ đoàn kết các dân tộc, rất khó khăn cho Chín Hiệp. Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn và tầm nhìn sáng suốt, bám dân, bám địa bàn, luôn lấy cuộc sống của nhân dân làm tiền đề vận động cách mạng, đoàn kết lương – giáo làm sức mạnh cho kháng chiến; chỉ hơn một năm, tình hình ở Long Châu Hà khởi sắc về kinh tế, đoàn kết các dân tộc được thắt chặt hơn; lực lượng vũ trang vừa chiến đấu, vừa sản xuất, tạo chỗ đứng vững chắc về mọi mặt.

    Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trung ương điều động đồng chí Chín Hiệp về làm Trưởng ban Tập kết Khối Quân – Dân – Chính đảng khu tập kết tại Cà Mau – Giá Rai, khi công việc ở khu tập kết ổn định cũng là lúc ông cùng gia đình phải chia tay mẹ già, miền Tây kỷ niệm để tập kết ra Bắc (15/2/1954).

    Vừa đặt chân tới Thủ đô Hà Nội, đồng chí Dương Kỳ Hiệp được Trung ương phân công giữ chức Chánh Văn phòng Ban Miền Nam Trung ương. Ban Miền Nam Trung ương có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ các vấn đề của miền Nam nhằm thúc đẩy thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Một thời gian sau ông được điều động về Bộ Công nghiệp, giữ chức Phó Tài vụ sau đó là Vụ trưởng. Ở cương vị này phù hợp với năng khiếu, khả năng tính toán kinh tài của Chín Hiệp. Đồng chí Dương Kỳ Hiệp xác định: làm việc gì cũng phải tính toán, tiền ít nhưng sử dụng hiệu quả nhất. Tiền của Nhà nước là tiền của nhân dân. Không được lãng phí! Với quyết tâm đó, Chính Hiệp tập trung thực hiện chủ trương hạch toán kinh tế và đi làm việc ở nhiều địa phương, xoay sở vốn để phát triển công nghiệp miền Bắc. Một số nhà máy được mở rộng, phát triển có sự đóng góp tích cực của Chín Hiệp (nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo).

 

    Vinh dự lớn lao nhất đến với gia đình Dương Kỳ Hiệp rất đột ngột, chiều 30 Tết năm Tân Sửu (1961) Bác Hồ đến thăm nhà. Sau khi hỏi thăm gia đình, Chủ tịch nước quay sang hỏi tình hình công tác của “Chủ tịch nhiều tỉnh”[4], Bác Hồ động viên ông Chín Hiệp và mọi người công tác tốt, lao động thật tốt, hết lòng vì miền Nam. Cuối năm 1961, đồng chí Dương Kỳ Hiệp được phân công về Ban Thống nhất Trung ương và được bổ nhiệm làm Vụ trưởng vụ Kinh tế. Đây thực sự là sở trường của đồng chí và cũng là điều kiện để Chín Hiệp tiếp xúc được nhiều với cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhất là từ khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết thành lập Ban Chi viện miền Nam (4 -1965). Mỗi lần có điều kiện gặp anh em, đồng chí Dương Kỳ Hiệp luôn dặn dò anh em quản lý phải chặt chẽ, đừng tư lợi, đừng để thất thoát tài sản nhà nước; đặc biệt, ông luôn chú ý đến vấn đề chi viện cho đồng bào miền Nam phải đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng và phải kịp thời.

    Với tính cương trực, nhưng rộng rãi, Chín Hiệp được nhiều người thương mến, tin cậy. Với ông, tất cả vì nhiệm vụ Đảng giao, không vị nể ai, phân phối là phải công bằng; vùng khó khăn, ác liệt được phân phối nhiều, lực lượng tuyến đầu được ưu tiên hơn. Năm 1967, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Đến năm 1969, đồng chí tiếp tục được chỉ định làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn, phẩm chất, năng lực của đồng chí Dương Kỳ Hiệp càng được phát huy, nhất là giai đoạn cả nước dốc sức cho miền Nam ruột thịt, công việc của đồng chí hết sức bề bộn, nay trong nước, mai nước ngoài; nay khảo sát chiến trường Bình Trị Thiên, mai chiến trường Khu 5, Khu 6, miền Nam... Ở đâu đồng chí cũng làm tròn nhiệm vụ, với tinh thần trách nhiệm cao, luôn thể hiện “Dĩ công vi thượng”.

    * Trọn nghĩa vẹn tình

    Ước nguyện bấy lâu rồi cũng đến, công lao rồi sẽ được đền đáp, khát khao rồi cũng thành sự thật. Chiến trường miền Nam đang giành nhiều thắng lợi, cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam đang đến gần. Ngày 17-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ - Phó Bí thư Trung ương Cục điện ra Trung ương xin điều động đồng chí Dương Kỳ Hiệp vào miền Nam ngay, với phương tiện nhanh nhất.

    “Lần nầy thì ông Chín Hiệp thật sự về Nam! không như hai lần trước tưởng được về nhưng phải ở lại làm nhiệm vụ…”[5]. Về Nam! Hai chữ ấy luôn là thông điệp thôi thúc con em miền Nam ở đất Bắc phấn đấu, là nỗi nhớ miền Nam trào dâng trong lòng cán bộ, gia đình cán bộ tập kết và cũng là ước muốn cháy bỏng của lớp học sinh miền Nam đã trưởng thành, trong đó có Dương Kỳ Hiệp và gia đình ông.

    Sài Gòn giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Dương Kỳ Hiệp được phân công giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Công việc tất bật đêm ngày, lại đảm nhiệm thêm chức trách Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch miền Nam và vai trò Thành viên Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, núi công việc của những ngày đầu tiếp quản, nhưng cũng là lúc ông vui sướng nhất trong quãng đời binh nghiệp của mình. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất.

    Dương Kỳ Hiệp một nhà lãnh đạo sáng tạo, nhìn xa hiểu rộng, nhạy bén với tình hình; chịu khó học hỏi, là một nhà kinh tài xuất sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Dương Kỳ Hiệp là “nhà lãnh đạo chính trị gần dân, hiểu dân, tất cả vì dân”, suốt đời thực hiện lời dạy của Bác: “Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.

Xuân Định



[1] Xem Diệp Hồng Phương: Dương Kỳ Hiệp Tình biển, nghĩa sông, NXB. Văn học, 2012

[2] Tức Bùi Công Quang, Thứ trưởng Bộ ngoại giao sau này

[3] Xem, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, t.1 (1930 – 1954), t.116

[4] “Chủ tịch nhiều tỉnh” do các đồng chí thân quen giới thiệu với Bác Hồ. Bác Hồ cũng nói vui “Bác cũng là Chủ tịch đây” – Bác cười. (Theo Truyện ký của Diệp Hồng Phương: Dương Kỳ Hiệp, Tình biển nghĩa sông, Nxb. Văn học. 2012)

[5] Diệp Hồng Phương: Dương Kỳ Hiệp, Tình biển nghĩa sông, Nxb. Văn học. 2012

 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 7667
  • Trong tuần: 75,972
  • Tất cả: 11,848,764